Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm mới - HRIS - Giải Pháp Phần Mềm Quản Lý Nhân Sự Hiệu Quả

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm mới

Một bản kế hoạch tuyển dụng không chỉ là tập hợp khô khan của những con số. Những thông tin cơ bản như số lượng vị trí cần tuyển, thời gian và chi phí tuyển dụng có thể là những yêu cầu tối thiểu, nhưng một kế hoạch có tính định hướng tốt đòi hỏi nhiều nội dung hơn thế. Sau đây là các bước:

Rà soát lại các mô tả công việc

Mô tả công việc các vị trí có thể thay đổi qua thời gian. Việc xác định chắc chắn lại nhiệm vụ của từng vị trí là rất cần thiết cho công việc tuyển dụng cũng như phân công nhân sự. Training cho khách hàng là nhiệm vụ của đội sales hay account? Chấm công để tính lương cho nhân viên là nhiệm vụ của kế toán hay nhân sự? 

Người làm nhân sự cần trao đổi với các team leaders xem nhiệm vụ của họ và các thành viên trong team đã thay đổi như thế nào. 

Nếu như đến lúc này bạn vẫn chưa có những văn bản quy định chính thức nào về yêu cầu công việc cho các vị trí, ngay năm nay là lúc bạn cần thực hiện nó. 

Tiến hành việc phân tích lỗ hổng kĩ năng

Phân tích lỗ hổng kĩ năng là một phương pháp có thệ thống nhằm giúp bạn đánh giá được năng lực hiện tại của các nhân viên cũng như xác định được các năng lực mà doanh nghiệp bạn cần tới trong tương lai. 

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm mới

Các bước để tiến hành phân tích lỗ hổng kĩ năng:

– Xác định các kĩ năng quan trọng

Để làm được việc này, bạn cần trả lời được hai câu hỏi: Đâu là những năng lực mà công ty sẽ đánh giá cao? Và đâu là những năng lực mà người nhân viên cần nắm được để có thể làm tốt được công việc trong tương lai?

Hãy xem xét các mô tả công việc, mục tiêu kinh doanh và các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khảo sát các nhân viên hiện tại cũng sẽ giúp bạn trả lời tốt hơn những câu hỏi này. 

Từ đó, lập danh sách các kĩ năng cần thiết và xếp hạng mức độ quan trọng của chúng.

– Đánh giá năng lực nhân viên hiện tại thông qua khảo sát và phỏng vấn sâu các team leader
– So sánh năng lực hiện tại và nhu cầu năng lực để lên kế hoạch hoàn thiện các năng lực còn thiếu

Với những năng lực còn thiếu, bạn cần xem xét về mức độ thiếu, cũng như tầm quan trọng của nó để ra phương án hợp lý: có thể đáp ứng được những lỗ hổng đó thông qua đào tạo, tái điều phối nhân lực, hay tuyển thêm người mới? 

Hoàn thiện kế hoạch tuyển dụng

Tiến hành được 2 bước trên, có thể coi bạn đã hoàn thành được phần công đoạn cốt lõi nhất trong kế hoạch tuyển dụng. Giờ đây, tất cả những gì còn lại bạn cần làm là dựa trên những thông tin đó cùng những dữ liệu cũ để hoàn thiện vào bản kế hoạch tuyển dụng của mình. 

Những thông tin cần đưa vào kế hoạch tuyển dụng: 

  • Các vị trí cần tuyển dụng, thuộc phòng ban nào?
  • Mô tả nhiệm vụ từng vị trí
  • Số lượng tuyển mỗi vị trí
  • Mức lương dự kiến
  • Thời gian tuyển dụng dự kiến
  • Hình thức tuyển dụng
  • Dự trù kinh phí

Các yếu tố như thời gian hay chi phí tuyển dụng, bạn có thể dễ dàng dự trù được dựa trên báo cáo tuyển dụng của các chiến dịch đã từng thực hiện. Nếu đặt mục tiêu rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí tuyển dụng, bạn cũng cần vạch rõ những chiến thuật sẽ tiến hành để đạt được điều đó. 

Xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho năm mới

Trong bước hoàn thiện kế hoạch tuyển dụng này, việc sử dụng các Phần mềm hỗ trợ tuyển dụng này là đặc biệt hữu ích. Những phần mềm cho phép theo dõi tiến độ tuyển dụng theo thời gian thực, đồng thời tự động trích xuất báo cáo. Từ đó, bạn có thể đo lường hiệu quả tuyển dụng tốt hơn và đưa ra được những dự báo chính xác hơn cho hoạt động tuyển dụng tương lai. 

Bên cạnh các yếu tố trên, bạn có thể cân nhắc bổ sung một số thay đổi chính có thể ảnh hưởng đến hoạt động tuyển dụng trong năm mới: ví dụ như kế hoạch áp dụng công nghệ trong tuyển dụng, kế hoạch training nâng cao nghiệp vụ tuyển dụng cho nhân viên, kế hoạch nâng cao thương hiệu cho doanh nghiệp…

Một lưu ý khác là kế hoạch tuyển dụng, trong kế hoạch nhân sự, cũng chỉ nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chiến lược tuyển dụng cần ăn khớp nhịp nhàng tới kế hoạch kinh doanh. Từ những kĩ năng bạn lựa chọn để ưu tiên tuyển dụng, chi phí cho từng đợt tuyển dụng, cho đến một số kế hoạch bổ sung – cần được cân nhắc kĩ để không làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu kinh doanh. 

Kế hoạch tuyển dụng không phải được xây dựng đơn thuần như một tài liệu trình sếp. Nó phải đóng vai trò xương sống, định hướng cho mọi hoạt động tuyển dụng của bạn trong năm tới. Bởi vậy, nó phải được tiến hành trình tự, có hệ thống và phương pháp, dựa trên các cơ sở số lượng được đo lường chính xác. 

Nguồn: Sưu tầm