Hai ba năm trở lại đây, cái tên Asanzo dần trở nên quen thuộc với nhiều hộ gia đình Việt, đặc biệt là khu vực nông thôn. Mới đây, hãng tivi nội địa này đã chi 250 tỷ đồng mua lại startup Kooda, thương hiệu của dòng sản phẩm tivi cận cao cấp thông minh công nghệ 4K và OLED.
Với thương vụ M&A này, Asanzo đặt mục tiêu chiếm lĩnh 21% thị phần tivi tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, cứ 5 tivi được bán ra thì sẽ có 1 tivi mang thương hiệu Asanzo.
Trong cuộc chiến với rất nhiều ông lớn công nghệ trong ngành, việc chiếm lĩnh thị phần lớn của Asanzo được cho là một sự bứt tốc ngoạn mục. Một trong những bí quyết quan trọng của ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo chính là việc tái định nghĩa sản phẩm giá rẻ. “Giá rẻ không có nghĩa là của ôi”, ông Tam khẳng định.
Người tiêu dùng có thể ngạc nhiên khi so sánh tivi Asanzo với hãng khác có chất lượng tương đương nhưng giá rẻ hơn gần 1 nửa. Để làm được những chiếc tivi như vậy, ông Tam đã cho cắt bỏ những tính năng không cần thiết và chỉ tập trung vào những tính năng thiết yếu, phù hợp với đối tượng tiêu dùng mục tiêu.
“Thực chất là cái tivi giá rẻ không phải bản chất giá thành nó rẻ mà do tôi cắt bỏ những tính năng không cần thiết. Cắt những tính năng ấy đi thì tivi còn bền hơn. Bạn phải biết sản phẩm mình ra bán ở đâu, bán cho đối tượng nào ở từng địa phương để sản xuất cho phù hợp”, ông Tam cho hay.
“Tôi luôn suy nghĩ mình không được bắt bà con nông dân hay công nhân phải trả thêm tiền cho những chức năng dư thừa, không bao giờ dùng đến của tivi”, suy nghĩ này đã khiến ông Tam mạnh dạn cắt bỏ những công năng không cần thiết, từ đó giảm giá thành.
Thay vì trang bị 4-5 cổng HDMI và 2 cổng USB, tivi của Asanzo chỉ có 1 cổng HDMI và 1 cổng USB. Việc lược bớt công năng sản phẩm này đã giúp quy trình sản xuất của Asanzo tiết giảm 30% chi phí nhân công, thời gian tiết kiệm 15 % và giá tivi rẻ hơn gần 35% so giá thị trường.
Không chỉ dừng lại ở tivi, khi Asanzo lấn sân sang mảng điện thoại, cách làm của ông chủ Phạm Văn Tam vẫn tương tự. Lần ra mắt điện thoại đầu tiên, với bộ đôi Asanzo Z5 và S5, Asanzo cũng đã mạnh dạn bỏ đi cổng tai nghe 3,5 mm truyền thống và thay thế bằng tai nghe không dây, nhằm lược bớt tính năng không cần thiết, giúp giảm giá thành nhưng vẫn đảm bảo yếu tố hiện đại, tiện dụng của một chiếc điện thoại tầm trung.
Dự kiến năm 2018, Asanzo sẽ tiếp tục ra mắt 6 mẫu điện thoại thông minh giá rẻ, pin “trâu”. Vị Chủ tịch tập đoàn cho biết, một năm ra mắt nhiều dòng vì muốn người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt cùng hãng, thậm chí có thể sẽ bán cả smartphone giá một triệu đồng.
“Đội ngũ kỹ sư của Asanzo đang nghiên cứu cắt giảm tối đa chi tiết không cần thiết, kể cả nút bấm để tối ưu hóa chi phí sản xuất, kéo giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất có thể”, ông Tam bật mí. Thực sự, smartphone giá một triệu đồng là điều các hãng điện thoại nước ngoài không nghĩ tới nhưng ông Tam cho rằng “to ăn to, nhỏ ăn nhỏ, miễn sao nhỏ mà nhiều, nhỏ mà thực sự có giá trị”.