Ngoài chế độ phúc lợi dành cho nhân viên thì sự thấu hiểu của người lãnh đạo đối với cá tính của họ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc khích lệ nhân viên cũng như giúp xây dựng một đội ngũ vững mạnh.
Chris Roebuck, nhà kinh tế học, chuyên gia về lãnh đạo và hiệu quả tổ chức người Anh từng nói rằng năng suất của nhân viên đến từ 57% lý trí và 43% cảm xúc. Và 80% sự khích lệ cảm xúc là thuộc tầm kiểm soát của người quản lý. Nếu không có sự cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, có lẽ nhân viên sẽ không thể tạo ra năng suất tốt trong công việc.
Đối với người làm sếp, hiểu được những người làm việc cho mình và điều gì có thể làm họ tỏa sáng là đòi hỏi thiết yếu. Để phát huy tốt nhất khả năng, họ cần sự khích lệ phù hợp. Lý thuyết nào đi nữa cũng đều cho thấy thành công và hạnh phúc được quyết định bởi các động cơ cá nhân của mỗi người có được đáp ứng hay không và động cơ đó không nhất thiết chỉ là tiền.
Theo tác giả, diễn giả James Sale, mỗi nhà lãnh đạo có cách riêng để kết hợp các động cơ tạo sự khích lệ nhân viên. Bằng cách xác định những nhu cầu khác nhau trong đội ngũ và vận dụng phong cách lãnh đạo phù hợp cho từng nhân viên, người lãnh đạo sẽ gắn kết và tạo cảm hứng tốt hơn để nhân viên thành công trong vai trò của họ. Sau đây là chín dạng cá tính và cách khích lệ phù hợp.
Người này tìm kiếm sự an toàn, ổn định và không quá khó đoán. Họ thích những tổ chức lâu đời, được giao cho vai trò cụ thể và nhìn thấy một con đường sự nghiệp rõ ràng. Để được khích lệ, họ cần sự truyền thông, tương tác liên tục với sếp – đặc biệt là liên quan đến những tin tốt đang diễn ra trong tổ chức. Việc đón nhận thông tin chính xác một cách thường xuyên sẽ khích lệ họ rất nhiều. Những mẩu tin ngắn hoặc chỉ là thông báo qua email cũng rất hữu ích. Nên viết ra những gì bạn mong đợi ở họ, kết nối nhu cầu đạt được mục tiêu với sự an toàn và hỗ trợ họ những lúc diễn ra thay đổi. Hơn nữa, cần đánh giá cao và tưởng thưởng lòng trung thành, sự phục vụ tận tâm của họ.
Họ tìm kiếm tình bạn và những mối quan hệ trọn vẹn. Họ thích làm việc cho các tổ chức đề cao tính tập thể, có nhiều hoạt động xã hội và có cơ hội giúp đỡ người khác. Những người này được khích lệ khi có sự hỗ trợ, tư vấn và có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ cũng thích các sự kiện xã hội và một văn hóa tập trung vào con người. Người này cũng đánh giá cao nếu như sếp công khai ủng hộ họ. Nên thường xuyên hỏi họ “Anh/chị nghĩ gì về…?”.
Một ngôi sao sẽ tìm kiếm sự nhìn nhận và tôn trọng. Họ thích những quyền lợi có thể nhìn thấy được gắn liền với vị trí trong công việc, thích những tổ chức có thứ bậc rõ ràng, có chức vị và cơ hội để tỏa sáng. Hãy khích lệ nhân viên bằng phần thưởng và địa vị. Đáp ứng nhu cầu được nhìn nhận bằng cách để họ tham gia các dự án, đưa ra quá trình phát triển sự nghiệp rõ ràng cũng như thường xuyên đánh giá mục tiêu của họ. Người này đặc biệt coi trọng các phản hồi tích cực và thích được công khai để mọi người biết đến. Vì thế, khi họ đạt được một mục tiêu tham vọng nào đó, hãy ghi nhận và tưởng thưởng một cách công khai.
Họ tìm kiếm quyền lực, sự ảnh hưởng, khả năng kiểm soát con người và nguồn lực. Dạng cá tính này thích vai trò quản lý hoặc lãnh đạo con người, lãnh đạo nguồn lực với trách nhiệm, cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp rõ ràng. Hãy trao cho họ trách nhiệm, ảnh hưởng hoặc cơ hội để họ biểu hiện. Những cơ hội đào tạo và huấn luyện giúp họ thành đạt cũng làm họ cảm thấy phấn khích.
Họ kiếm tiền, sự thỏa mãn vật chất và mức sống trên trung bình. Họ muốn thành quả sẽ đi cùng với phần thưởng, thích những công việc có mức lương khá và đường thăng tiến cụ thể. Họ thấy phấn chấn khi nhìn thấy con đường sự nghiệp và kế hoạch cụ thể, những đánh giá thường xuyên về hiệu quả và trách nhiệm được nâng lên. Hãy kích thích tinh thần cạnh tranh của họ bằng những trò chơi, hoạt động thể thao và các cuộc thi.
Chuyên gia khao khát kiến thức, sự tinh thông và khả năng chuyên sâu. Họ thích những vị trí đòi hỏi kỹ năng, kiến thức chuyên môn và cần những môi trường làm việc mà sự phát triển cá nhân sẽ đưa đến sự nhìn nhận chính thức về trình độ chuyên môn. Chìa khóa để khích lệ họ là đào tạo, huấn luyện và cố vấn; đặc biệt là khi điều này gắn liền với sự thăng tiến. Họ cũng được khích lệ bởi những mục tiêu tham vọng và thích cố vấn cho người khác để có cơ hội chia sẻ sự am hiểu trong những lĩnh vực chuyên môn. Và đừng quên kết nối họ với các chuyên gia khác.
Họ tìm kiếm sự đổi mới, sáng tạo và thay đổi. Họ thích giải quyết vấn đề, tìm kiếm công việc trong các tổ chức hay môi trường giàu tính sáng tạo và nhiều thách thức. Hãy nhìn nhận khả năng của họ bằng cách tưởng thưởng các thành quả của sự sáng tạo đổi mới. Không nên đặt để họ vào vị trí nhàm chán trong một thời gian dài vì họ sẽ nhanh chóng chán nản. Hãy làm cho văn phòng làm việc sống động lên và tạo không gian tranh luận để tìm ra ý tưởng mới.
Họ đi tìm sự tự do, độc lập và tự chủ; thích tự kiểm soát thời gian, tự ra quyết định. Sếp có thể khích lệ họ bằng cách chia sẻ tầm nhìn và mục tiêu của công ty, cho phép họ được tự chủ trong công việc. Nên nhớ là họ ghét sự quan liêu; đồng thời những giới hạn, nguyên tắc và thủ tục dễ làm họ nản lòng. Hãy cụ thể về mục tiêu, tránh quản lý vi mô, nhưng cần tạo ra ranh giới rõ ràng để trao cho họ sự tự do mà họ cần.
Người này đi tìm ý nghĩa, mục đích và muốn tạo nên sự khác biệt. Họ thích những tổ chức có mục đích, những dự án và vị trí có thể chăm sóc người khác, có cơ hội đối diện với khách hàng. Công cụ hàng đầu để khích lệ họ là những lời khen và phản hồi thường xuyên. Họ như được tiếp thêm năng lượng nếu những mục tiêu của họ được kết nối với tập thể, với tổ chức và biết được rằng họ đã tạo ra sự khác biệt gì. Hãy trao cho họ những việc quan trọng và giúp họ nhìn thấy bức tranh lớn.
Nguồn: Doanh nhân Plus