Trong một chương trình sự kiện, nếu nhà quản lý quá xông xáo, đảm nhiệm các phần việc cụ thể như một nhân sự thực hiện thì sẽ khó lòng kiểm soát, quán xuyến được toàn cục và đủ minh mẫn để phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh.
Vì thế, trong khi tổ chức sự kiện, bao giờ cũng có một người cầm trịch, người quản lý, có nghĩa là người không làm bất cứ công việc gì ngoài việc đảm bảo cho tất cả các công việc được thực hiện đúng như kế hoạch đã định trước.
Tương tự, ở nhiều doanh nghiệp, tất cả những chương trình, kế hoạch dù đơn giản hay phức tạp, chỉ trong nội bộ hay có sự tham gia của bên ngoài… đều được tổ chức thực hiện dưới dạng dự án, có một nhà quản lý dự án (project manager) để điều phối toàn bộ công việc theo một hệ thống.
Nếu chúng ta ở trong một mê cung thì sẽ khó nhìn thấy được lối ra hơn so với nhìn từ trên cao xuống tổng thể. Vì thế, người quản trị đôi khi cần phải đứng ở vị trí đủ xa để bao quát được vấn đề và đủ gần để thấu hiểu được bản chất công việc.
Chịu áp lực công việc vốn có nhiều phát sinh và thường xuyên thay đổi, hiếm nhà quản trị nào hoàn toàn không lâm vào cảnh phải tự giải quyết các vấn đề sự vụ, chuyên môn để chỉ làm việc tổ chức, quản lý.
Trong quá trình làm việc sự vụ, với vị thế thay đổi dù chỉ là tức thời, nhà quản lý cũng sẽ phải chạy theo những áp lực trước mắt mà tạm thời quên đi vai trò chủ yếu của mình là một nhà điều phối ở cấp công ty chứ không phải cấp phòng ban, phân xưởng.
Điều này dẫn đến khả năng nhà quản lý bị các trách nhiệm tạm thời, lẻ tẻ che khuất cái nhìn toàn cục. Hệ quả lâu dài của vấn đề là tạo tiền đề cho các bê trễ, khiếm khuyết khó kiểm soát được trong công việc chung.
Mặt khác, ở phương diện tâm lý, rất có thể cách hành xử và tư duy của nhà quản lý vô hình trung bị ảnh hưởng bởi cái tôi chủ quan cá nhân mà thiếu đi tính khách quan trong công việc.
Dần dà, thói quen ôm đồm công việc làm cho nhà quản lý mất đi lòng tin ở nhân viên, không dám giao khoán việc cho nhân viên.
Một trong những nguyên nhân khiến nhà quản lý không dám giao khoán việc cho nhân viên là suy nghĩ rằng họ không có đủ năng lực và nhiệt tình làm việc.
Vấn đề năng lực nhân viên đã được giải quyết ở khâu tuyển dụng, còn việc dùng người chỉ chủ yếu là làm sao kích thích nhân viên làm việc nhiệt tình, quy củ.
Nhân đây, xin được quay lại một câu chuyện nhỏ. Ngày xưa, Vệ Ưởng (Thương Ưởng) được vua Tần trọng dụng, phong làm Tả thứ trưởng, ông đã soạn thảo “Bảy điều pháp lệnh” và muốn khi ban hành phải được dân chúng tuyệt đối thi hành.
Trước khi tuyên bố pháp lệnh mới, ông cho dựng một cây gỗ dài ba trượng ở phía nam thành và tuyên bố: “Ai mang được cây này ra phía bắc thành sẽ được thưởng 10 lạng vàng”. Mọi người không tin, nghĩ rằng đâu có thể kiếm tiền dễ thế, nên không ai vác cả. Vệ Ưởng bèn tăng thưởng lên 50 lạng vàng.
Một người dân thử tiến đến vác cây ra phía bắc chợ. Vệ Ưởng lập tức thưởng 50 lạng vàng như lời hứa. Từ đó dân chúng tin tưởng Vệ Ưởng là người biết giữ lời, nên sau khi ông cho thi hành pháp lệnh mới, họ nghiêm túc thực hiện.
Khi giới chủ xây dựng được niềm tin ở nhân viên, rằng công việc họ dốc sức làm sẽ đem lại lợi ích cho chính họ và tin tưởng cấp trên của mình đã nói là làm thì tự khắc nhân viên sẽ làm việc nhiệt tình và tuân thủ với những gì đã được đề ra. Khi đó, việc của nhà quản lý là xây dựng và điều hành chứ không phải làm thay nhân viên nữa.
Thế nhưng, có một điều khác biệt lớn giữa nhân viên của nhà quản lý và dân chúng nước Tần thời Vệ Ưởng là nhân viên là những người lao động có tri thức và sức lao động nên “50 lạng vàng” là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy họ làm tốt yêu cầu của giới chủ.
Điều quan trọng là “50 lạng vàng” ở đây không phải chỉ đơn giản là số lương thưởng đã được ghi rõ ở hợp đồng, mà còn là những lợi ích vật chất lẫn phi vật chất khác dành cho nhân viên trong từng cố gắng cụ thể để đạt được những thành quả cụ thể.
Vì thế, một nhiệm vụ quan trọng của nhà quản lý còn là chỉ ra được đâu là “50 lạng vàng”.
Sưu tầm bởi EMSC – Giải pháp quản lý hiệu quả