Ngành bán lẻ đang “khan hiếm” rất nhiều nhân sự đã qua đào tạo, có chuyên môn, đặc biệt ngay cả nhân lực lao động việc làm sơ cấp cũng không dễ tuyển dụng..
Ngành bán lẻ đang là một trong những ngành phát triển nhanh, thị trường liên tục mở rộng, nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nhân sự đáp ứng thị trường lao động cho ngành luôn thiếu, nhất là những nhân sự có kinh nghiệm và có chuyên môn.
Anh Trang Phúc – Trưởng phòng truyền thông siêu thị Coop-mart chi nhánh Đồng Nai cho biết: “Đa số nhân viên mà chi nhánh của Công ty có tại khu vực đều rất trẻ, công việc bán hàng, phục vụ khách hàng đơn giản mà rất áp lực. Có nhiều bạn không chịu được áp lực về thời gian do phải làm việc vào ngày cuối tuần, tăng ca khi đông khách, làm một thời gian sẽ xin nghỉ, tìm việc mới…”
Thanh Nguyên, quản lý một chuỗi 3 cửa hàng bánh ngọt Chewy Junior quận 10, TP HCM chia sẻ, sự khó khăn trong công tác tuyển nhân viên. Theo chị, do nhu cầu của Chewy Junior nhiều mà số lượng gần 20 nhân viên ở các vị trí bán hàng, pha chế, thu ngân… không đủ để phục vụ khách nên phải liên tục tuyển dụng, kể cả sinh viên làm thêm bán thời gian.“Việc tuyển nhân viên đối với mình thật sự rất khó khăn, vì công việc cũng kén người, thời điểm thiếu người những nhân viên trong của tiệm bánh phải “tăng ca” làm tới 15 giờ/ngày. Nhìn chung, rất ít nhân sự muốn gắn bó lâu dài với công việc”, vị quản lý chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm cho biết.
Theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn “ráo riết” tìm kiếm nhân lực lao động nhưng cung vẫn không đủ cầu. Lý do chính là nhiều người cho rằng, những công việc như bán hàng, tiếp thị… là công việc mang tính chất thời vụ, tạm bợ, tính chất công việc không cần chuyên môn nên rất dễ bị sa thải và không thể gắn bó lâu dài với những công việc này.
Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, đang làm nhân viên bán hàng cho một của hàng tiện lợi, anh Thắng chia sẻ, sở dĩ tiếp nhận công việc này là do mới ra trường. Cùng với công việc “tạm thời”, hiện tại Thắng đã nộp gần chục bộ hồ sơ khắp nơi, khi tìm được một công việc khác thì sẽ nghỉ công việc này.
Chung quan điểm Ngọc Oanh (23 tuổi, TP.HCM) tốt nghiệp ngành marketting cũng vừa nghỉ việc bán hàng trong một trung tâm thương mại lớn để làm nhân sự cho một công ty sản xuất. Oanh cho rằng những công việc như hành chính, nhân sự, kế toán hay quản lý trong doanh nghiệp mới “xứng tầm” bằng đại học và phát triển được sự nghiệp. “Tụi em tốt nghiệp đại học, biết tiếng Anh, tin học nên sẽ kiếm một công việc văn phòng chứ không bán hàng hay thu ngân vì công việc như vậy bấp bênh và không ổn định” – Oanh chia sẻ.
Một nguyên nhân khác là nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt. Lại thêm một số doanh nghiệp với vốn lớn liên tục mở rộng, phát triển thị trường quy mô lên tới vài trăm cửa hàng bao phủ khắp cả nước như Vinmart, Coop Mart, Điện Máy Xanh…khiến nhu cầu về lao động ngành này ngày một nhiều.
Theo một chuyên gia nhân sự, công việc bán hàng thực tế không đơn giản như nhiều người nghĩ mà đòi hỏi phải có nhiều kỹ năng, biết cách giao tiếp, chào hàng, nắm bắt được tâm lý khách hàng, hiểu rõ nhu cầu, thị hiếu thì mới có thể bán được hàng.
“Các vị trí nhân viên bán hàng chưa được nhiều người xem là một nghề chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong doanh nghiệp bán lẻ lực lượng nhân viên bán hàng lại đóng vai trò là lực lượng nòng cốt quyết định sự sống còn thành bại. Nhưng để có một đội ngũ nhân viên bán hàng, kinh doanh giỏi đáp ứng được yêu cầu công việc là một vấn đề lớn.
Theo bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, ứng viên trong ngành bán lẻ ngày càng hạn hẹp do chất lượng ứng viên không thực sự đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Chính vì vậy, “cơn khát” ứng viên trong ngành bán lẻ đang tăng cao và dự báo trong quý II vẫn tiếp tục tăng. Trong đó, tại miền Bắc, các doanh nghiệp bán lẻ có xu hướng mở rộng kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử.
Theo quản lý cấp trung của Coop Mart chi nhánh Đồng Nai, thực tế nhiều doanh nghiệp chưa có chế độ chính sách đãi ngộ hợp lý, chưa xây dựng được chế độ phúc lợi thu hút ứng viên, chưa có một chiến lược phát triển đội ngũ nhân sự, dự trữ nhân lực, nhân viên không được đào tạo kỹ năng, lại hạn chế về kiến thức ngành.
Để có nguồn nhân lực kế thừa, những tập đoàn lớn cũng đã từng bước xây dựng riêng cho mình một kế hoạch nhằm phát triển đội ngũ nhân sự như Lotte Mart, Coop Mart… Kế hoạch dự trữ nhân sự thông qua việc tuyển dụng, kết hợp đào tạo nội bộ với những vị trí việc làm cụ thể, trên cơ sở đó sẽ quy hoạch, tuyển chọn được những nhân lực có chất lượng cao để kế thừa nhằm giải quyết thực trạng khan hiếm thiếu nhân lực của ngành.
Anh Phúc cũng cho biết, Coop Mart cũng đã xây dựng trung tâm huấn luyện nghiệp vụ. Theo đó, những nhân viên mới tuyển dụng sẽ được đào tạo, huấn luyện tại trung tâm những kỹ năng cần thiết như cách kiểm hàng, giao hàng, chào hàng, xử lý những đơn hàng lớn. Nói về tính ổn định của ngành bán lẻ, anh cũng chia sẻ, Coop Mart cũng đã phát triển mô hình Coop Food, Cheers… với số lượng cửa hàng đang tăng dần nên nhu cầu về nhân sự rất lớn. Ngoài ra, hàng năm công ty tổ chức đào tạo những nhân viên có thành tích tốt, đạt yêu cầu để quy hoạch thành cán bộ quản lý.
Theo các chuyên gia, để giữ chân nhân sự doanh nghiệp, ngoài việc tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp chế độ phúc lợi, chính sách đảm bảo được cuộc sống của người lao động, việc xây dựng được một nguồn nhân lực kế thừa nhằm dự trữ, ổn định nguồn lao động.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp