Năm 2019: Thị trường lao động có trình độ cao “lên ngôi” - HRIS - Giải Pháp Phần Mềm Quản Lý Nhân Sự Hiệu Quả

Năm 2019: Thị trường lao động có trình độ cao “lên ngôi”

Với sự chuyển dịch tích cực của nền kinh tế, việc làm sẽ tiếp tục được tạo ra, dự báo thị trường lao động có việc làm trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng lên, khoảng 56 triệu lao động.

Xu hướng thị trường lao động

Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) Lê Quang Trung cho biết, năm 2019, thị trường lao động sẽ có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần sử dụng lao động giản đơn sang sử dụng nhóm lao động có kỹ năng và trình độ cao, chất lượng lao động được nâng cao.

Theo lãnh đạo Cục Việc làm, với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ thay đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng về trí tuệ và công nghệ.

Bên cạnh đó, người lao động thay vì đi tìm việc làm sẽ tự tạo việc làm và khởi sự doanh nghiệp. CM 4.0 sẽ thay đổi từ việc làm mang hàm lượng chất lượng thấp sang chất lượng cao. Về việc này, Bộ LĐTBXH đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động chính vào thị trường lao động trong nước và có các giải pháp.

Về diễn biến thị trường lao động năm 2019, ông Trung kỳ vọng sẽ tiếp tục theo hướng tích cực, cung – cầu gặp nhau ở mức hợp lý. Nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp tăng lên, nhất là lao động trình độ cao và trung.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên cần phải đẩy mạnh phối kết hợp, nâng cao chất lượng nhân lực, tăng cường công tác đào tạo.

Tại các địa phương, các ngành cần có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo và đơn vị sử dụng lao động; cộng với dự báo thông tin thị trường lao động, cũng như thực hiện tốt hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

“Chúng ta sẽ có những dự án trong đó đưa ra những biện pháp để sử dụng một cách tốt nhất những lao động là hộ nghèo, bộ đội, người cao tuổi, người trung tuổi…”, ông Trung thông tin thêm.

Đồng thời, người lao động cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, tham gia vào đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng mềm và pháp luật để thực hiện tốt hơn công việc.

Về phía doanh nghiệp, cần quan tâm đến đào tạo cho người lao động; doanh nghiệp phối hợp với cơ sở dạy nghề theo phương châm 3 cùng: Cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và cùng giải quyết việc làm cho người lao động.

thị trường lao động tại việt nam
Đẩy mạnh kết nối các trung tâm dịch vụ việc làm 

Để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo nhiều việc làm hơn cho người lao động, một trong những giải pháp quan trọng tạo đột phá trong năm 2019, theo ông Trung, là đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước đã tổ chức được 1.211 phiên giao dịch, trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho gần 3 triệu lượt lao động.

Cũng trong năm 2018, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành nghề kinh tế ước tính đạt 54,6 triệu người, tăng khoảng 300.000 người so với năm 2017. Tỉ lệ thất nghiệp chung và tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị được duy trì ở mức thấp, lần lượt là 1,99% và 2,95%.

“Về lâu dài lĩnh vực lao động phải gắn chặt với sự phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, đẩy mạnh phát triển các ngành nghề là yếu tố mang tính chất quyết định đến thị trường lao động” – ông Trung nói.

Từ những thực tế trên, Bộ LĐTBXH xác định năm 2019 sẽ phát triển toàn diện, đặc biệt là tạo sự đột phá mạnh mẽ, chuyển động thực sự để tạo nên một thị trường lao động phát triển đồng bộ. Đó là kết nối đào tạo nghề với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Hơn hết, để thực hiện được những đột phá về phát triển thị trường lao động, các sở LĐTBXH thuộc các tỉnh, thành phố, hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm cần tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kết nối cung – cầu lao động, tạo điều kiện để người lao động nâng cao trình độ, chuyên môn kỹ thuật và tiếp cận việc làm bền vững.

Theo đó, các trung tâm dịch vụ việc làm cũng phải được sắp xếp, tổ chức lại một cách khoa học và hiệu quả để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ và tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động.

Ngoài ra, hoạt động tạo việc làm chỉ thực sự đạt được hiệu quả khi thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp. “Hoạt động kết nối việc làm phải làm sao để doanh nghiệp không thiếu nhân lực cho sản xuất, kinh doanh và không để học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm” – ông Trung nhấn mạnh.

Nguồn: Laodong.vn

Rate this post

Call Now