Ngừng ngay đi 18 thói xấu ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc - HRIS - Giải Pháp Phần Mềm Quản Lý Nhân Sự Hiệu Quả

Ngừng ngay đi 18 thói xấu ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc

Bạn làm việc rất hăng say mà sao mãi kết quả không như mong đợi? Bạn vô cùng chăm chỉ chẳng phút lơ là, vậy nhưng hiệu suất làm việc lại không được đánh giá cao? Nguyên nhân vấn đề này không phải do cố gắng chưa đủ mà chính là nỗ lực không đúng.

Dưới đây là 18 thói xấu bạn nên ngừng làm ngay hôm nay để đạt hiệu suất cao hơn trong công việc:

1. Nhấn nút “Hoãn báo thức”

Khi nhấn “Hoãn báo thức” vào buổi sáng bạn nghĩ rằng mình đang kéo dài thêm vài phút nghỉ ngơi để bắt đầu một ngày làm việc thuận lợi, nhưng thực tế hại nhiều hơn lợi.

Đó là vì khi vừa tỉnh giấc, hệ nội tiết đã bắt đầu giải phóng các hoóc môn tỉnh táo giúp bạn sẵn sàng cho ngày mới. Bằng cách quay trở lại với giấc ngủ, bạn đã làm chậm quá trình này. Hơn nữa, 9 phút không cho cơ thể bạn đủ thời gian để có giấc ngủ sâu lành mạnh cần thiết.

2. Làm việc quên ngủ

Một nghiên cứu của McKinsey đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa việc ngủ ít và làm việc kém hiệu quả. Vỏ não trước trán, bộ phận giữ chức năng tư duy và xử lý vấn đề, sẽ bị kiềm hãm, bị thoái hoá nếu con người ngủ không đủ giấc. Cứ tiếp tục làm việc 24/7, nhận thức của bạn chỉ tương đương làm việc lúc đang say. Bạn nên duy trì những giấc ngủ ngon để có sức mạnh làm việc hiệu quả, luôn vui vẻ, tạo ra những quyết định thông minh và “mở khoá” các ý tưởng lớn hơn!

Đây không phải lời khuyên bạn nên tiếp tục quay lại với sở thích “ngủ nhiều”, mà nhấn mạnh rằng bí quyết để ngủ đủ giấc là làm việc theo kế hoạch và “tắt nguồn” vào thời điểm hợp lý.

3. Giữ điện thoại cạnh giường ngủ

Một cách khác để có giấc ngủ chất lượng hơn là không để các tác nhân cản trở bên cạnh bạn. Các khảo sát đã chỉ ra rằng ánh sáng xanh từ màn hình LED của những chiếc điện thoại, laptop, máy tính bảng có thể làm hại thị lực và ngăn chặn việc sản xuất melatonin – một hoóc môn giúp điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những người có mức melatonin thấp hơn sẽ dễ bị trầm cảm hơn.

4. Bỏ bữa sáng

Tâm trí và cơ thể chúng ta được kết nối theo nhiều cách quan trọng, và có được năng lượng không chỉ nhờ vào nghỉ ngơi. Chúng ta thường không ăn gì trong suốt khoảng 10-12 tiếng từ buổi tối đi ngủ đến buổi sáng thức dậy. Vì thế điểm tâm là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nó bắt đầu sự trao đổi chất và bổ sung lượng đường trong máu để bạn có thể làm việc tập trung, hiệu quả suốt ngày dài. Khi lượng đường trong máu hạ thấp, bạn sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh, giảm chú ý và thiếu kiên nhẫn.

Hãy bắt đầu ngày mới đúng cách bằng chế độ ăn cân bằng giữa các thực phẩm giàu chất xơ (high-fiber carbohydrates) và chất đạm hoàn chỉnh (lean protein).

5. Dồn những việc quan trọng vào cuối ngày

Mọi người thường bắt đầu xử lý các việc nhỏ để lấy khí thế cho ngày mới, rồi để dành những nhiệm vụ khó khăn, quan trọng lại giải quyết sau. Đây là một ý tưởng tồi, bởi sau đó hầu hết chúng ta sẽ rơi vào tình trạng không thể làm kịp.

Các nghiên cứu đã khám phá ra rằng, ý chí con người có giới hạn giảm dần theo thời gian. Tốt nhất là bạn nên hoàn thành trước những việc quan trọng nhất vào đầu ngày.

6. Xem email cả ngày

Duy trì kết nối mạng liên tục cũng khiến bạn phải kiểm tra hộp thư đến suốt ngày. Tiếc thay, mỗi lần như vậy bạn mất hết 25 phút làm việc. Hơn nữa, nhận email thường xuyên sẽ khiến bạn thấy đầu óc mình bị nhiễu loạn và quá tải.

Vì thế, tư vấn chiến lược Ron Friedman gợi ý ta nên tắt hết các email và điện thoại trong khoảng 30 phút để có thể “lặn sâu với công việc”.

7. Ăn vặt thay bữa trưa

Muốn duy trì mức năng lượng ổn định đòi hỏi bạn có bữa trưa cân bằng, phù hợp.

Các bữa trưa có hàm lượng chất béo cao, đường cao khiến chúng ta buồn ngủ và tụt năng lượng vào khoảng 3 giờ chiều. Vì thế, cần lưu ý cung câp cho bản thân những bữa trưa đạt chuẩn để chống lại cơn uể oải buổi xế chiều và duy trì phong độ làm việc, bạn nhé!

8. Dung túng cho nhu cầu

Một trong những điều khó khăn nhất để hình thành thói quen mới (như chế độ ăn kiêng, tập luyện thể thao hay giờ làm việc mới) là sự thôi thúc coi việc “ăn gian” như phần thưởng khuyến khích bản thân gắn bó với thói quen. Ý tưởng rằng chúng ta xứng đáng được “xoã” một bữa hoành tráng sau cả tuần dài nhịn ăn nhịn uống chính là bạn đang “dung túng cho nhu cầu”, hành động này sẽ làm kế hoạch cải thiện bản thân suy yếu dần.

Hãy là thử biến mục tiêu thành một hình mẫu nhận diện cho bản thân (ví dụ như người tiết kiệm, người ưa vận động), thay vì trở thành một người khổ sở chống lại ước muốn cá nhân để làm điều gì khác.

9. Không đặt mục tiêu ưu tiên

Không ít người cho rằng có nhiều mục tiêu là cách tốt để đảm bảo sự thành công – khi ý tưởng này thất bại sẽ còn nhiều cái khác sẵn sàng lấp vào. Thật không may, kiểu làm việc hay dao động thế này tuyệt đối không hiệu quả!

Warren Buffett đã có “thuốc giải” hiệu nghiệm cho chứng bệnh này. Khi nhận thấy phi công của mình không đạt mục tiêu, ông yêu cầu anh ta lập ra danh sách 25 việc phải làm trước khi chết. Sau đó thay vì khuyên anh ta thực hiện dần các bước nhỏ để hoàn thành chúng, ông bảo hãy chọn ra 5 điều quan trọng nhất và bỏ qua phần còn lại. Bạn có thể áp dụng tương tự với công việc của mình.

10. Ngồi suốt cả ngày

Nilofer Merchant – nhà tư vấn kinh doanh và tác giả của “The New How: Creating Business Solutions Through Collaborative Strategy” đã chia sẻ với khán giả TED cách cô giúp nhiều công ty lớn phát triển thành công các ý tưởng mới nhờ vào “Các cuộc họp đi bộ”.

Cô gợi ý rằng những buổi ngồi đồng cà phê hay hội họp dưới ánh đèn huỳnh quang của phòng họp nên được thay thế bằng các cuộc đi dạo và thảo luận, khoảng 30 – 45km mỗi tuần. “Bạn sẽ ngạc nhiên vì không khí trong lành có thể thúc đẩy tư duy tươi mới, và làm theo cách này bạn mang đến cho cuộc sống của mình những ý tưởng thực sự mới lạ, đầy giá trị.”

11. Đa nhiệm

Trong khi nhiều người tin rằng họ giỏi làm nhiều việc cùng lúc, thì nghiên cứu khoa học chứng mình rằng chỉ 2% dân số thế giới có khả năng làm việc đa nhiệm hiệu quả.

Đối với nhóm còn lại chúng ta, đa nhiệm là một thói quen xấu, làm giảm sự chú ý và gây mất năng suất xét về lâu dài.

12. Không tập thể dục

Trong một bài báo cho Harvard Business Review, Friedman lập luận rằng việc thêm các bài tập thể dục vào chế độ sinh hoạt có thể trực tiếp góp phần giúp tăng năng suất làm việc. Các lợi ích nhất định về mặt nhận thức khi bạn hình thành thói quen tập thể dục là: cải thiện khả năng tập trung, làm sắc bén trí nhớ, kéo dài sức chịu đựng, giảm thiểu căng thẳng, thúc đẩy tâm trạng… Tất cả những điều này đều là yếu tố giúp tăng hiệu suất.

13. Bị internet hấp dẫn

Hầu hết mọi người đều có thể truy cập web trong khi làm việc, thật dễ dàng để chúng ta lao ngay lên mạng khi có một câu hỏi nào đó bật lên trong đầu.

Lời khuyên là bạn nên viết ra những suy nghĩ hoặc vấn đề vào giấy nhớ hay sổ tay để có thể tra cứu thông tin và giải đáp nghi vấn khi đã rảnh rỗi. Hiện tại hãy tập trung toàn bộ tâm trí cho công việc quan trọng trước mắt.

14. Lập kế hoạch quá nhiều

Nhiều cá nhân tham vọng và có tính kiếm soát thường lập kế hoạch tỉ mỉ mọi thứ phải diễn ra trong một ngày của họ, đôi khi chính xác đến từng giờ. Chẳng may là thực tế không vuông vức như vậy! Chúng ta sẽ gặp hàng tá chuyện phát sinh, con của bạn bị bênh, sếp bất ngờ giao việc ngoài dự kiến, khách hàng đột ngột tìm đến…

Hãy lên kế hoạch làm việc theo buổi hoặc cho 4-5 giờ trong mỗi ngày! Nhờ đó bạn có thể linh động khi vào thực tế và không bao giờ phải ấm ức, bực tức vì thường xuyên bị “bể kế hoạch”.

15. Làm việc không có kế hoạch

Ngược lại, có những người làm việc vô cùng tuỳ tiện, thậm chí chỉ buồn quan tâm “đường đi là gì” hay “đích đến ở đâu”.

Chúng ta nên dành thời gian lập chiến lược để hoàn thành các mục tiêu dài hạn. Robert Pozen, giảng viên tại MIT Sloan School of Management, khuyên rằng bạn nên xác định xem kết quả cuối cùng bạn mong muốn là gì, sau đó đặt ra một loạt các bước đi. Một khi đã đi được nửa đoạn đường, bạn có thể rà soát lại công việc, kiểm tra xem đã đúng định hướng chưa và chủ động điều chỉnh.

16. Họp hành quá độ

Không có gì phá vỡ dòng chảy của năng suất hơn là những cuộc họp vô bổ. Với các công cụ hữu ích như email, video chat, tin nhắn trong tầm tay, tốt hơn hết chúng ta chỉ nên tổ chức họp khi có vấn đề thực sự quan trọng, cần được giáp mặt trực tiếp.

Bobby Harris, người sáng lập BlueGrace Logistics, khuyên mọi người đừng bao giờ chấp nhận lời mời họp nào cho đến khi biết rõ mục đích, nội dung thảo luận và chính xác khoảng thời gian cần bỏ ra cho nó. Thậm chí, Harris còn gợi ý rằng chỉ nên dành cho họ một nửa thời gian đề nghị. Không đạt các tiêu chí này, bạn cứ mạnh dạn từ chối họp.

17. Chủ nghĩa hoàn hảo

Theo trang web The Book of Life, một nhánh nhỏ của công ty được thành lập bởi tác giả – nhà triết học người Anh Alain de Botton, thì lớn hơn cả sự lười biếng, gốc rễ của sự trì hoãn chính là nỗi sợ mình không làm tốt công việc. “Chúng ta chỉ bắt đầu làm việc khi nỗi sợ không làm gì cả vượt lên trên nỗi sợ làm mọi việc không tốt.”

Cách duy nhất để vượt qua sự trì hoãn là từ bỏ tính cầu toàn và đừng quá nghiêm trọng vấn đề khi giải quyết công việc. Giả vờ rằng công việc không quan trọng và một chút xáo trộn cũng không sao có thể giúp bạn khởi động nhanh hơn.

18. Suy nghĩ về lịch làm việc cho 24 giờ

Laura Vanderkam, chuyên gia quản lý thời gian và hiệu suất, tác giả của “I Know How She Does It” gọi đây là “Bẫy 24 giờ”. Bà gợi ý rằng chúng ta nên nghĩ về những việc có thể làm trong 168 giờ hoặc 1 tuần.

Vanderkam chia sẻ với Business Insider, mọi người luôn nói rằng không có đủ thời gian cho một ngày và bà hoàn toàn đồng ý. Nhưng may mắn thay chúng ta không sống cuộc đời mình trong một ngày, mà là một tuần. Nếu nhìn theo cách này, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn – bảy ngày để hoàn thành mọi thứ mình muốn và cần. Điều này giúp bạn vui hơn và ít sợ hãi hơn khi bắt đầu.

Muốn làm việc hiệu quả hơn, bạn cần phải làm việc thông minh hơn. Để được như vậy chúng ta cần bắt đầu từ việc thay đổi các thói quen xấu. Không hề dễ dàng, nhưng có đủ quyết tâm thay đổi thì tôi tin bạn sẽ đánh bại chúng để thành công hơn mỗi ngày!

Nguồn CareerBuilder.vn