“Khát” nhân lực

Câu chuyện “khát” nhân lực IT luôn là câu chuyện gây đau đầu cho rất nhiều doanh nghiệp. Trước đó, các chuyên gia phân tích đã từng đưa ra cảnh báo về sự thiếu hụt nhân lực cho ngành IT: “Việt Nam cần khoảng 500 000 nhân lực ngành CNTT vào năm 2020, nhưng theo tính toán, trong khi toàn bộ hệ thống cung cấp nhân lực về CNTT trên cả nước chỉ có khả năng đáp ứng quá nửa con số ấy.”

Một trong những đặc điểm đáng ghi nhận của thị trường công nghệ Việt Nam là khả năng tăng trưởng nhanh. Trong báo cáo về mức lương, phúc lợi và xu hướng ngành IT Quý 1&2 năm 2017 của chuyên trang tuyển dụng IT – TopDev, ông Nguyễn Hữu Bình – CEO của TopDev cũng khẳng định: “Trong thời điểm hiện tại, ngành IT tại Việt Nam được đánh giá là ngành mũi nhọn, một điểm đến lý tưởng cho những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới”.

Báo cáo của TopDev cũng cho biết, trong vòng 4 năm trở lại đây, số lượng việc làm ngành IT gia tăng mạnh mẽ, nhu cầu tuyển dụng IT tăng dần đều qua các năm. Đặc biệt, năm 2016 tăng 45% so với cùng kỳ năm 2012, và dự báo đến năm 2018 thị trường tuyển dụng IT cần tới 350 000 lập trình viên tức tăng gấp 20 lần so với năm 2016. Trong khi đó, hiện tại chúng ta chỉ mới đáp ứng được khoảng 200 000 lập trình viên, tương đương thị trường đang thiếu khoảng 150 000 lập trình viên. Tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định rằng đây chỉ là sự thiếu hụt ngắn hạn.

Còn theo phân tích của VietnamWorks, trong 3 năm vừa qua (từ 2013 đến 2016), số lượng công việc ngành Công Nghệ Thông Tin – Phần Mềm đã tăng trung bình 47% mỗi năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Nếu sự cách biệt về mức độ tăng trưởng giữa cung và cầu tiếp tục trong những năm tới, Việt Nam sẽ ngày càng thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng cho ngành dẫn đầu thị trường tuyển dụng này.

Cụ thể, từ đây đến năm 2020, nếu tiếp tục tăng trưởng nhân lực ở mức 8%, chúng ta sẽ thiếu hụt khoảng 78.000 nhân lực IT mỗi năm, và đến năm 2020 sẽ thiếu hơn 500,000 nhân lực IT, chiếm hơn 78% tổng số nhân lực IT thị trường cần.Tuy nhiên, để đạt được tỉ lệ người tìm việc so với công việc ngành IT ở mức 17 ứng viên cho mỗi công việc (tỉ lệ năm 2013), chúng ta cần khoảng 1,2 triệu nhân lực ngành IT vào năm 2020. Nếu cứ đi theo mức tăng trưởng hiện tại, đến lúc đó Việt Nam sẽ thiếu 1 triệu nhân lực IT, một con số khổng lồ đòi hỏi một chính sách phát triển nhân lực sâu rộng được triển khai ngay lập tức.

VietnamWorks cũng cho biết số lượng công ty tuyển dụng trong ngành Công Nghệ – Thông Tin đã tăng 69% so với năm 2012. Đặc biệt, số lượng công ty phần mềm đã tăng đến 124% chỉ trong vòng 4 năm. Điều này giải thích lý do vì sao số lượng việc làm ngành IT luôn tăng nhanh, nhưng tập trung vào mảng phần mềm là nhiều nhất.

“Cuộc chiến” giữa các nhà tuyển dụng

Với sự mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu của các lập trình viên (LTV) có chất lượng, “cuộc chiến” thu hút, giữ chân nhân tài CNTT giữa các công ty ngày càng gay gắt hơn. Một số các công ty công nghệ sẵn lòng trả mức lương cao hơn so với thị trường và cam kết tăng tới 20% lương cho các ứng viên có 2 năm kinh nghiệm đi kèm với đó là các phúc lợi ưu đãi khác. Thậm chí với các lập trình viên có nhiều năm kinh nghiệm trong những lĩnh vực “hot” như Cloud Computing, Big Data hay AI có thể dao động từ $1000 – $1500 (tùy theo năng lực và vị trí đảm nhận).

Tuy nhiên, theo báo cáo của TopDev, dường như bài toán giữ chân nhân tài của các doanh nghiệp vẫn còn lắm khó khăn, khi mà có tới 42% LTV được hỏi muốn nhảy việc. Lý do phổ biến nhất mà các LTV đưa ra là có tới 35% không hài lòng với mức lương hiện tại. Nhưng đây không phải là lý do chính, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới quyết định đi hay ở của LTV đa phần là vì không hài lòng với phúc lợi của công ty và sự thiếu hụt những chính sách đào tạo giúp họ có thể nâng cao trình độ chuyên môn. Theo khảo sát, các nhân viên cảm thấy được tôn trọng và muốn gắn bó với công ty lâu dài hơn khi công ty có các chính sách phúc lợi phù hợp, đặc biệt là ở mảng đào tạo.

Theo dữ liệu của công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao thuộc tập đoàn Navigos Group công bố mới đây, trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng lập trình viên và kỹ sư trong mảng phần mềm nhúng đang rất lớn. Có những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển gấp đôi lực lượng lao động này so với năm ngoái. Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang diễn ra từ lâu, đó là thị trường Việt Nam quá khan hiếm lập trình viên và kỹ sư ngành công nghệ thông tin (IT) đáp ứng được về kiến thức và kinh nghiệm theo yêu cầu của doanh nghiệp, trong đó nhức nhối nhất vẫn là khả năng tiếng Anh hạn chế của đội ngũ lao động này.

Có những doanh nghiệp do quá cần kỹ sư IT giỏi tiếng Anh, họ chấp nhận thay đổi quy trình tuyển dụng. Nếu như trước kia, khi tuyển người, họ thường kiểm tra trình độ chuyên môn kỹ thuật trước sau đó mới kiểm tra kỹ năng tiếng Anh. Nhưng hiện nay, họ chấp nhận tuyển kỹ sư giỏi tiếng Anh trước rồi mới đến quy trình kiểm tra trình độ chuyên môn nhằm loại bớt những người không đạt yêu cầu.

Về chuyên môn, họ chấp nhận đào tạo lại hoặc đào tạo thêm. Có những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động trong việc cung cấp dịch vụ, khi đặt trung tâm Nghiên cứu & Phát triển tại Việt Nam, họ đem công nghệ sang Việt Nam để tìm những kỹ sư tiềm năng để đào tạo, do vậy, điều kiện tiên quyết là đội ngũ nhân sự đó phải giỏi tiếng Anh. Tuy nhiên, việc tìm kiếm kỹ sư công nghệ thông tin người Việt giỏi ngoại ngữ thực sự đang là vấn đề rất nan giải đối với các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam hoạt động