Chẳng có công việc nào là tuyệt vời, chẳng có nghề nghiệp nào hoàn hảo. Thế nhưng, vì đã học hỏi được từ thất bại ở phần trên, chúng ta có thể loại bỏ những công việc, công ty không phù hợp với mình. Cho dù nó là văn hoá công ty, lãnh đạo hay đặc thù công việc không phù hợp. Nhiều khi nó còn tới từ đồng nghiệp, nếu họ cư xử với bạn không tốt, sẽ rất khó để bạn toả sáng hết mức.
Mặc dù vậy, thực hiện được điều này không hề đơn giản. Làm sao chúng ta có thể biết được đồng nghiệp ở công ty mới ra sao khi mà chúng ta còn chưa vào làm? Hãy hỏi thẳng thắn lãnh đạo, một số nhân sự ở công ty bạn muốn ứng tuyển, giải đáp những thắc mắc của chính bản thân để rồi từ đó có được lựa chọn sáng suốt nhất.
Nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bạn bè
Người thân, bạn bè là một nguồn thông tin đáng tin cậy và dồi dào nhất mà chúng ta biết tới. Trong tình thế khó khăn, đôi khi người ở gần nhất là người giúp ích nhiều cho bản thân bạn nhất. Hãy hỏi họ xem họ có gợi ý gì không, có biết nơi nào phù hợp với bạn hay không? Họ ở cạnh bạn đủ lâu để biết bạn làm tốt công việc gì, phù hợp với môi trường nào.
Đa phần mọi người đều tìm kiếm việc làm thông qua các vòng quan hệ gần, dù là người trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp cũ hay thậm chí là những khách hàng thân thiết bạn từng cộng tác cùng. Họ sẽ đưa cho bạn những thông tin bổ ích, nếu nó không giúp cho bạn tìm được việc mới thì cũng giúp được bạn hoàn thiện chính bản thân mình.
Hãy chú trọng vào những điều tích cực trong CV của mình
Sẽ thật là dại dột khi sử dụng CV cũ của bạn để gửi cho công ty mới vì đơn giản bạn đang lãng phí một nguồn kinh nghiệm trong CV của mình. Đừng ngại thêm vào những kinh nghiệm, kĩ năng mình học được ở công ty cũ. Bạn có thể gạch bỏ công việc mình từng bị sa thải, thế nhưng đừng gạch bỏ những gì mình đã làm được, những kĩ năng mình đã lĩnh hội vì nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong tương lai.
Thêm vào đó, các chuyên gia gợi ý rằng hãy thêm phần “mong muốn có cơ hội phát triển thêm” trong CV để có cơ hội tốt hơn trong ứng tuyển công việc mới.
Chuẩn bị cho bài phỏng vấn
Phỏng vấn cũng là một trong những yếu tố khiến người mới bị sa thải đau đầu. Đôi khi, những kí ức gợi lại khiến họ mất kiểm soát từ đó dẫn tới một buổi phỏng vấn đi không đúng hướng, hiệu quả không như mong đợi. Chuyên gia Lees cho rằng thành thật chính là chìa khoá để giúp bạn kết nối tốt hơn với người phỏng vấn.
Hãy thành thật cho dù bạn có phạm sai lầm ở công ty cũ và nó khiến bạn bị đuổi việc, hãy thành thật về những bài học mà bạn rút ra được từ nó. Giữ buổi phỏng vấn ở thái độ tích cực, các câu trả lời ngắn chứ đừng lê thê dài dòng. Vì sao? Vì thực chất người phỏng vấn chẳng mấy quan tâm tới những gì bạn đã làm, họ chỉ quan tâm rằng bạn sẽ làm được những gì và phù hợp ra sao với tập thể mới.
Tìm hiểu thật kĩ về nơi mình ứng tuyển và cho người tuyển dụng thấy được mình là một ứng viên phù hợp. Hãy cho họ thấy rằng họ đang thiếu thứ gì và bạn có thể bổ sung những thứ gì, hãy cho họ thấy được giá trị của bạn có thể mang về cho tập thể. Một số nghiên cứu cho thấy những người tuyển dụng sẽ đưa ra quyết định chỉ trong từ 3 tới 5 phút sau khi bắt đầu phỏng vấn. Thế nên hãy dồn toàn lực cho khoảng thời gian đầu.
Hãy giữ nhịp trò chuyện đều đặn, cho họ thấy rằng bạn là người chủ động tìm việc chứ không phải họ đang phân phát cơ hội cho một người thất nghiệp dài ngày.
Những điểm quan trọng cần ghi nhớ
Hãy thực hiện:
– Đối chiếu những gì mình đã làm, tìm ra lý do vì sao mình bị sa thải. Từ đó tìm ra công việc phù hợp với mình hơn.
– Hãy hỏi những người xung quanh, đồng nghiệp cũ để nhận được sự gợi ý về công việc trong tương lai. Tiếp tục chọn lựa để rồi tìm ra được công việc phù hợp nhất.
– Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, CV thật kĩ càng, luôn chủ động trong quá trình phỏng vấn.
Đừng:
– Hoảng loạn lên vì bị sa thải, “gạch đá” HR công ty cũ vì họ đã bỏ lỡ một nhân tài như bạn.
– Sử dụng CV cũ cho công việc mới, tiêu cực về những gì mình đã làm.