Ông Anup Changaroth, Giám đốc cấp cao Phòng Công nghệ và Phát triển Kinh doanh Chiến lược, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn công nghệ viễn thông Ciena (Mỹ) trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân xung quanh chủ đề về sự phát triển của hạ tầng mạng trên thế giới cũng như khả năng ứng dụng tại Việt Nam.
Mạng thích ứng: Theo Ciena, thế giới đang chuẩn bị cho mạng thích ứng – một cách tiếp cận mới sử dụng phần cứng, phần mềm, phân tích và dịch vụ để giúp mạng vận hành hiệu quả hơn, thực hiện các chính sách của nhà mạng nhanh hơn bao giờ hết thông qua phân tích, tổ chức mạng tự động và hạ tầng có khả năng lập trình. Loại hình mạng thế hệ tiếp theo này sẽ phát triển thông minh và nhạy bén hơn nhiều trong việc dự đoán và phản ứng với nhu cầu băng thông cực kỳ cao của tầng lớp khách hàng với đòi hỏi ngày càng cao. Điều này mang lại cơ hội lớn cho nhà cung cấp mạng trong việc triển khai dịch vụ và các giải pháp trên nền tảng hạ tầng mạng đó.
Câu chuyện về 5G: Thế hệ mạng di động thứ 5 (5G) có tác động đáng kể đến hạ tầng mạng không dây và có dây trên toàn cầu. Tương lai của 5G sẽ thay đổi mọi thứ về mặt hoạt động của mạng và cho phép mang đến một số lượng ấn tượng các dịch vụ và ứng dụng mới. “Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc,.. đang chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng cho 5G. Ví dụ, chúng tôi đang hỗ trợ các khách hàng xây dựng hệ thống trục chính cho mạng 5G với kế hoạch dự định triển khai là 2019. Việt Nam có thể dài hơn một chút, là 2020 hoặc lâu hơn nhưng ngay từ lúc này tất cả các đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng đều cần phải nghiên cứu trước xem họ cần phải chuẩn bị những gì”, ông Changaroth cho biết thêm.
Trí tuệ nhân tạo: Một xu hướng chính ở châu Á Thái Bình Dương là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) khi công nghệ này được tích hợp vào nhiều ứng dụng đa dạng mà các doanh nghiệp và nhà mạng sẽ triển khai. Công nghệ này sẽ được sử dụng để đem lại những hiểu biết sâu sắc nhằm cải thiện quá trình đưa ra quyết định, cải tổ mô hình kinh doanh, làm mới trải nghiệm khách hàng và xây dựng các chuỗi giá trị mới. Changaroth nói rằng: “Với công nghệ của Ciena, chúng tôi có thể tân dụng khả năng của AI để xem xét, kiểm tra tình trạng của hệ thống mạng và đưa ra những dự báo về thời điểm xảy ra hỏng hóc về phần cứng hay phần mềm, qua đó, cải thiện chất lượng hệ thống mạng, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng”.
Vạn vật kết nối: Sự gia tăng sử dụng mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things – IoT) cũng như sự phát triển tương ứng của cảm biến IoT đang tác động mạnh mẽ lên các nhà mạng. IoT đang đẩy nhu cầu mạng đến ngưỡng của mạng, tạo áp lực khiến các nhà cung cấp phải triển khai nhiều kết nối hơn với tốc độ nhanh hơn, đồng thời giám sát và quản lý hoạt động của các kết nối này nhằm cung cấp hàng ngàn dịch vụ cho người dùng cuối.
Tại Việt Nam, VTN là một trong những khách hàng đầu tiên của Ciena, với băng thông lúc đầu là 2,5Gbps, cho đến VNPT là 40Gbps, sau đó lên tới 200Gbps. Theo nhu cầu của khách hàng, băng thông có thể sẽ phải lên tới 400Gbps. Công nghệ càng cao, băng thông càng lớn thì chi phí sẽ rẻ, vì thế mà người ta càng có thể mang đến những đề xuất về tốc độ tốt hơn cho khách hàng. “Ví dụ như đối với hộ gia đình hiện giờ đang được giới thiệu gói dịch vụ mạng tốc độ 100Mbps, nhưng trong 1 năm tới modem quang sẽ cung cấp tốc độ 1Gbps cho một gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể sử dụng đa dịch vụ mạng với một mức phí rất hợp lý”, ông Changaroth khẳng định